Bầu cử điện tử là một bước cụ thể hóa của chính phủ điện tử và được đánh giá là giải pháp hữu hiệu cho việc bầu cử của các quốc gia.
Trong những năm gần đây, sự phát triển, hội tụ và tương tác các xu thế công nghệ đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Chính phủ điện tử. Một trong những phương diện mới đánh dấu sự phát triển của Chính phủ điện tử và đã được kiểm chứng ở một số nước phương Tây là bầu cử điện tử. Chia sẻ về hình thức bầu cử mới này, tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử với chủ đề “Nâng cao năng lực chính phủ điện tử: Tăng cường hợp tác, minh bạch và gắn kết công dân” diễn ra tại Hà Nội tháng 8/2013, ông Peter Garside, Giám đốc điều hành APAC, Scytl đã bổ sung thêm những phân tích và nhiều gợi mở cho việc áp dụng hình thức bầu cử điện tử ở các quốc gia.
Ông Peter Garside, Giám đốc điều hành APAC, Scytl tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2013
Ông Peter Garside đã chỉ ra một số hạn chế mà một cuộc bầu cử truyền thống thường gặp phải: với những cử tri ở vùng sâu vùng xa, khoảng cách về địa lý sẽ bị hạn chế việc thực hiện được quyền bỏ phiếu của mình; tính độc lập, cá nhân và quyền riêng tư của cử tri sẽ bị ảnh hưởng lớn; tính minh bạch, niềm tin vào số lần bỏ phiếu của một cử tri; việc đảm bảo an ninh cho bầu cử, tính minh bạch kết quả bầu cử, sự tham gia và thái độ tham gia của những cử tri trẻ đối với cuộc bầu cử; tính an ninh của những lá phiếu trong quá trình vận chuyển và kiểm phiếu. Cùng với đó là quá trình chuẩn bị cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực phục vụ cho cuộc bầu cử. Đây quả là những khó khăn, thách thức vô cùng lớn. Làm rõ hơn những hạn chế này, ông đã đưa ra con số cụ thể cho một cuộc bầu cử ở Miến Điện. Với dân số hơn 48 triệu dân, Miến Điện sẽ phải lập ra 48.000 điểm bỏ phiếu tương đương với 5 – 6 nguồn nhân lực và vật lực cho một điểm bầu cử. Như vậy, tổng con số lên tới 1,5 triệu nguồn nhân lực và vật lực. Đội ngũ cán bộ phục vụ cho bầu cử và khả năng quản lý bao quát toàn bộ những điểm bầu cử này cũng cực kỳ lớn với chi phí rất tốn kém.
Trong khi đó, với hình thức bầu cử điện tử, mọi người dân đều có thể tự tay bỏ những lá phiếu của mình cho dù họ đang ở đâu, làm gì. Hơn nữa, nó còn đảm bảo được tính cá nhân và quyền riêng tư trong lá phiếu của mình. đảm bảo an ninh do không mất quá trình vận chuyển “thủ công” hòm phiếu từ nhiều địa điểm khác nhau mà nó đã được lưu trữ ngay lập tức vào hệ thống cơ sở dữ liệu. Thay vì đào tạo một đội ngũ cán bộ khổng lồ để phục vụ cho công tác bầu cử, việc bầu cử điệ tử sẽ giản tiện tới mức tối đa về nhân lực. Và một điều đặc biệt, hình thức bỏ phiếu này sẽ đáp ứng nhu cầu bầu cử theo cách của những người trẻ đó có thể là bầu cử trực tuyến, có thể là bầu cử qua điện thoại hoặc bầu cử thông qua Facebook, Twiter, Youtube… Thông qua hệ thống Interner và những thiết bị thông minh, chính phủ có thể dễ dàng kết nối tất cả quá trình trước, trong và sau bầu cử nhanh, gọn, nhẹ; thu hút được đông đảo cử tri và không phân biệt đối tượng, vị trí địa lý. Điều này chắc chắn sẽ giảm bớt sức nặng tối đa cho cuộc bầu cử và mang lại thành công cho nó. Qua đó cũng thấy được tính ưu việt của hình thức bầu cử điện tử. Với chính phủ điện tử sự dân chủ sẽ được thể hiện theo một cách đúng nghĩa nhất để thực hiện quyền dân chủ, đáp ứng một chính phủ thực sự là chính phủ của dân, vì dân.