Với 1.642 m (5.387 ft) Baikal là hồ sâu nhất và nằm trong số các hồ trong nhất trong tất cả các hồ trên thế giới. Tương tự như hồ Tanganyika, hồ Baikal được hình thành từ một thung lũng tách giãn cổ có hình lưỡi liềm dài với diện tích bề mặt 31.722 km2 (12.248 sq mi), nhỏ hơn so với hồ Superior hay hồ Victoria. Baikal là nơi sinh sống của hơn 1.700 loài động thực vật, hai phần ba trong số đó không thể tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới và đã được UNESCO công nhận là một Di sản thế giới vào năm 1996. Khu vực bờ đông của hồ Baikal là nơi sinh sống của các bộ lạc người Buryat, họ chăn nuôi dê, lạc đà, bò và cừu, trong một môi trường khắc nghiệt khi nhiệt độ trung bình tối thiểu vào mùa đông là −19 °C (−2 °F) và tối đa trong mùa hè chỉ là 14 °C (57 °F).
Hồ Baikal được gọi là "Bắc Hải" trong các thư tịch cổ Trung Quốc. Hồ nằm trong lãnh thổ của Hung Nô, lãnh thổ này trải dài từ biên giới với nhà Hán ở phía nam đến rừng taiga Siberi ở phía bắc, hồ đã chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh giữa Hán và Hung Nô. Người châu Âu có thông tin hạn chế về hồ cho đến khi đế quốc Nga mở rộng ra khu vực này vào thế kỷ 17. Nhà thám hiểm Nga đầu tiên tiếp cận hồ Baikal là Kurbat Ivanov vào năm 1643.
Nổi tiếng nhất trong vùng hồ là loài hải cẩu Baikal nerpa. Được cho đã di chuyển đến đây từ Bắc Băng Dương hơn 800.000 năm trước, những chú hải cẩu nhỏ da trơn này đã trở thành biểu tượng của vùng di sản thiên nhiên Baikal diệu kỳ.
Sự ô nhiễm và nạn săn trộm đã làm giảm phần lớn số lượng nerpa. Hiện chỉ còn khoảng 60.000 con đang sinh sống trong hồ, giảm hơn 100.000 con so với vài năm trước. Hải cẩu Baikal hay ẩn náu nên rất khó quan sát. Du khách đến đây thường chọn cách đến thăm vườn nuôi hải cẩu nerpa ở Irkutsk hoặc Listvyanka.
Có nhiều câu chuyện dân gian kể về sự ra đời của hồ Baikal. Có chuyện kể rằng, thiên thạch đâm vào Trái đất và tạo ra một vết nứt lớn, nơi sau này chính là hồ Baikal.
Người ta đồn rằng, hồ có năng lực ma thuật siêu nhiên nào đó có thể kéo dài tuổi thọ con người. Đó cũng là lý do vì sao có những người sẵn sàng mạo hiểm ngâm mình trong nước hồ ở nhiệt độ -5 độ C để được bất tử.
Một câu chuyện khác về hồ xoay quanh người đàn ông đầy quyền lực tên Baikal. Thuở xưa, Baikal có một cô con gái xinh đẹp tên Angara. Angara đẹp đến nỗi để bảo vệ nàng, cha Baikal đã nhốt cô trong một tòa tháp cao. Nhưng người con gái xinh đẹp lại đem lòng yêu chàng Yenisey và trốn cha đi theo người yêu. Baikal biết chuyện, nổi giận và nguyền rủa Angara, ném một mảnh núi vỡ chắn đường không cho nàng gặp Yenisey. Angara khát khô cả họng. Cô van nài cha mình tha lỗi và cầu xin ông ban cho mình nước uống. Thế nhưng, Baikal trả lời rằng, ông chỉ có thể cho cô nước mắt của mình mà thôi… Đó là lý do vì sao nhánh sông Angara thuộc hồ Baikal và sông Yenisey tạo thành hình một giọt nước mắt như ngày nay. Còn về phần Baikal, đau buồn vì chuyện của con gái, ông trở nên lạnh lùng, ủ rũ y như vẻ ảm đạm, lạnh lẽo thường thấy của hồ sau này.
Ngoài ra, còn một truyền thuyết khác kể về sự ra đời của hồ nước rộng lớn nơi đây. Theo đó, khi con người đặt chân tới vùng này, không có dấu tích gì của nước cả. Mọi người tìm kiếm rất lâu nhưng vô ích. Họ chán chường, thất vọng và tức giận vô cùng. May sao, có một người hành hương xuất hiện. Người đó cảm thương số phận của các cư dân sắp chết khát, bèn xé trái tim từ lồng ngực ra, ném xuống đất. Quả tim phá vỡ tầng đất dày phía dưới chân và nước từ đó tuôn ra xối xả, tinh khiết, tạo thành hồ Baikal như ngày nay.
Chưa dừng lại ở đó, đảo Olkhon thuộc hồ được cho là nơi Thành Cát Tư Hãn ra đời. Người ta cũng đồn rằng, chúa Jessus đã từng tới nơi đây và ban phước lành, trong khi vùng Cape Ryty thuộc phía Tây hồ Baikal bị nguyền rủa, có thể khiến ai đi qua đây chết “bất đắc kỳ tử”.
Theo thời gian, những câu chuyện, đồn đoán về hồ Baikal càng nhiều hơn. Một tài liệu cũ của hải quân Nga năm 1982 có ghi lại về cuộc gặp gỡ người ngoài hành tinh dưới đáy hồ của một số thợ lặn.
Cụ thể, một số thợ lặn hải quân đã vô tình chạm trán các “sinh vật hình người mặc đồ màu bạc” ở độ sâu 50m. Kết cục là 3 người trong số họ đã chết vì đuổi theo, 4 người khác bị thương nặng.
Tới năm 2009, người ta lại phát hiện ra ở hồ Baikal những vòng tròn kỳ lạ đường kính lên tới 4,4km có thể nhìn thấy từ vệ tinh ngoài Trái đất. Hai năm sau, một chiếc tàu có tên Yamaha đã mất tích ở hồ vì hút vào các xoáy nước lớn. Nhiều người cho rằng, đó là bằng chứng cho sự hiện diện của người ngoài hành tinh và các xoáy nước trên chính là cánh cửa đi tới thế giới địa ngục.
Bản thân người dân sống quanh hồ Baikal cũng kể lại nhiều điều bí ẩn. Rất nhiều người thường xuyên nhìn thấy các khung cảnh lạ trên mặt hồ: từ hình lâu đài cho tới xe lửa, tàu thuyền… Đôi khi, vào ban đêm, từ phía dưới hồ còn phát ra ánh sáng rất đáng sợ. Các nhà khoa học cho rằng, nhiều khả năng các hình ảnh mà người dân địa phương mô tả chính là các ảo ảnh được tạo ra bởi ảnh hưởng của sự chênh lệch nhiệt độ, độ ẩm trong không khí, bề mặt nước và dưới nước tại đây.
Dẫu vậy, hồ Baikal vẫn làm người ta phải hoài nghi về thứ được gọi là “người ngoài hành tinh”. Cho tới nay, câu trả lời thực sự vẫn còn nằm trong bóng tối.
Nếu du khách đến thăm hồ Baikal vào mùa đông, có thể tham gia các chuyến du ngoạn, đi bộ qua mặt hồ đóng băng, câu cá trên băng, trượt tuyết và chơi trò chơi trong các công trình bằng băng khổng lồ…
Còn nếu quý khách đến vào mùa hè, có thể dạo bộ tại những ngôi làng cổ của người dân bản địa quanh hồ, hoặc ra đảo Olkhon, nơi có những cánh đồng mênh mông, những ngôi nhà gỗ nhỏ giữa rừng thông,… bao quanh là nước hồ Baikal xanh ngắt, nhìn ra xa không thấy bờ, tưởng như đang ở giữa biển khơi.