Đàn balalaika là một nhạc cụ truyền thống của Nga. Nó không chỉ là một nhạc cụ đơn thuần, mà còn mang trong mình cả tâm hồn Nga và đã trở thành một trong những biểu tượng của văn hóa Nga. Có khá nhiều tài liệu và những chứng cứ về sự xuất hiện của cây đàn. Nhiều người cho rằng, đàn balalaika được nghĩ ra ở nước Nga cổ, những người khác lại cho rằng nó xuất phát từ một nhạc cụ của người kirgiz – kaisak – dombra. Còn có một giả thuyết nữa: có khả năng đàn balalaika được nghĩ ra trong thời gian quân Tatar chiếm đóng. Do vậy khó có thể xác định chính xác năm cây đàn xuất hiện. Những nhà sử học và những nghiên cứu âm nhạc vẫn đang tranh luận về vấn đề này. Phần lớn nghiêng về năm 1715, tuy nhên tài liệu đầu tiên nhắc đến thứ nhạc cụ độc đáo là ngày 13/06/1688... và đó là biên bản của cảnh sát về vụ bắt giữ hai nông phu say xỉn vừa chơi Balalaika vừa gào vang những lời ca lộn xộn.
Có lẽ, đàn balalaika được những người nông dân nghĩ ra để làm phong phú cho cuộc sống bị áp bức của mình. Dần dần đàn balalaika được phổ biến trong những người nông dân và những anh hề biểu diễn tại các hội chợ, mua vui cho người dân, kiếm tiền nuôi sống mình. Việc mua vui không kéo dài được lâu, vua Aleksei Mikhail của toàn Nga đã ra lệnh tịch thu tất cả các loại nhạc cụ (đàn domra, đàn balalaika, tù và, đàn gusli và các nhạc cụ khác) và đem đốt. Còn những người không chịu nộp chiếc đàn thì bị bắt và đi đày.
Đến giữa thế kỷ XIX, Vasily Vasilevich Andreev - một hiện tượng âm nhạc siêu phàm: khi còn là cậu thiếu niên 14 tuổi, Vasily đã có thể chơi thành thạo 12 thứ nhạc cụ. Một lần Andreev ngẫu nhiên nhìn thấy bác nông dân chơi làn điệu nào đó trên chiếc Balalaika. Kể từ đó trở đi, thứ nhạc cụ dây khiêm tốn bình dị đã trở thành cây đàn yêu thích nhất của chàng nhạc sĩ trẻ. Andreev không chỉ đơn thuần là chơi nhạc, mà còn hoàn thiện cây đàn Balalaika và nâng tầm âm thanh của nó.
Cây đàn balalaika gồm 3 phần chính. Phần thứ nhất là thân đàn gồm có mặt đàn (phần trước) và phần sau, được tạo nên bằng cách dán 6 – 7 mảnh gỗ lại với nhau. Phần thứ hai là cần đàn có các phím đàn và cuối cùng là đầu đàn – phần trên cùng của balalaika. Trên phần đầu đàn là các khóa để lên dây. Ở phần mặt đàn thường có một cái lỗ nhỏ, trên lỗ nhỏ đó thường có một màng bảo vệ. Nó có tác dụng bảo vệ mặt đàn khỏi những cú đập trong khi chơi. Ở nhiều đàn balalaika không có cái lỗ nhỏ này, chúng được thay thế bằng một bức tranh nhỏ vẽ hình hoa hay quả dại.
Sau buổi trình tấu nhạc đầu tiên vào năm 1886 ở Bezhetsk, Andreev đã đi gần như khắp đất nước Nga. Những buổi biểu diễn của ông luôn luôn thành công vang dội. Ngón đàn Balalaika điêu luyện của Vasily Andreev được đích thân hoàng đế vỗ tay khen ngợi. Ông thành lập dàn nhạc với những nhạc cụ dân gian Nga. Bắt đầu những chuyến lưu diễn nước ngoài, người nhạc sĩ Nga được chờ đón và hoan nghênh ở các nước châu Âu, Mỹ và Canada.
Hiện nay, Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Nga mang tên Vasily Andreev biểu diễn xuất sắc trên toàn thế giới, giới thiệu cho công chúng các châu lục những tác phẩm âm nhạc kinh điển qua âm thanh độc đáo đặc biệt của những thứ nhạc cụ dân gian.