Đây là buổi giao lưu gặp mặt sau hơn 30 năm cho tất cả những người Việt đến Tiệp theo dạng xuất khẩu lao động từ những năm 1987-1989.
Vừa qua, cựu phiên dịch và nhóm người Việt ở "Đội Sành Sứ" của nhà máy Sứ nổi tiếng ở thành phố Kalory Vary, Cộng hòa Séc (Tiệp Khắc cũ) đã tổ chức thành công rực rỡ buổi "Giao lưu gặp mặt" sau hơn 30 năm cho tất cả những người Việt đến Tiệp theo dạng xuất khẩu lao động từ những năm 1987-1989.
Tiếp theo sự sụp đổ bức "Tường Berlin" vào năm 1990, Tiệp Khắc cũng bị chia thành 2 nước Séc & Slováky. Vào cuối 1990, người Việt xuất khẩu lao động sống ở địa phận Cộng hòa Séc ngày nay, lần lượt tìm cách "tùy nghi di tản". Khoảng 40% trong số đó vượt rừng sang Đức xin tị nạn; khoảng 10% chạy sang Hà Lan. Số còn lại, tiếp tục ở lại Cộng hòa Séc tìm kế sinh sống… Tất cả anh chị em của "Đội Sành Sứ" Karlovy Vary (Tiệp Khắc cũ), hiện định cư rải rác ở 3 nước thuộc liên minh châu Âu: Séc, Đức và Hà Lan.
Những người ở lại Séc chuyển sang hành nghề tự do như mở quán ăn, bán rau quả, hàng dệt may, làm móng... Những năm đầu cuộc sống của họ rất chật vật. Song "cái khó ló cái khôn", nhiều người đã về Việt Nam khoảng 3-4 tháng để học nghề. Họ đem theo những kiến thức và kinh nghiệm đã học được từ quê hương sang Séc. Với đức tính cần cù, nhẫn nại "thất bại là mẹ của thành công", họ vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Chỉ mấy năm sau đó, họ đã làm chủ được nghề và hiệu quả kinh doanh tăng dần, cuộc sống ổn định hơn. Cũng từ đó thế hệ trẻ em Việt được sinh và đã trưởng thành...
Nhóm người Việt vượt rừng sang Đức xin tị nạn
Sau khi sang đất Đức an toàn, được sự giúp đỡ của người Việt quen biết định cư tại Đức, nhóm người này nhập trại tị nạn. Theo luật tị nạn ở Đức, họ được học tiếng Đức mức tối thiểu và được cấp tiền xã hội để đủ sống. Song nỗi khổ nhất là: họ sống trong tình trạng thấp thỏm chờ quyết định của sở ngoại kiều: Được phép ở lại Đức hay bị trục xuất về Việt Nam. Trong thời gian ở trại tị nạn, tuần tự trẻ sơ sinh Việt được ra đời… Sau vài ba năm, theo luật nhân đạo của Đức, những gia đình Việt nào chấp hành tốt luật tị nạn và có con nhỏ, tuần tự được cấp giấy ở lại Đức… Nhóm người Việt chạy tiếp sang Hà Lan xin tị nạn. Cũng tương tự như luật tị nạn ở Đức, sau một số năm, những gia đình Việt nào có con nhỏ, cũng tuần tự được chính phủ Hà Lan cấp giấy phép lao động và định cư…
Hội ngộ sau hơn 30 năm tại Karlovy Vary
Mặc dù tan tác mỗi người một phương để "kiếm kế sinh nhai", song anh chị em của các đội sản xuất thời Tiệp Khắc thường xuyên liên lạc với nhau. Khi ai gặp khó khăn, các bạn sẵn sàng giúp đỡ hết lòng trong khả năng có thể. Họ luôn giữ được truyền thống của người Việt "lá lành đùm lá rách". Đến nay, những người Việt này đã định cư trên dưới 30 năm tại Séc, Đức và Hà Lan. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm đến Tiệp, anh phiên dịch cũ và anh chị em thuộc "Đội Sành Sứ" hiện sinh sống ở Karlovy Vary đã đăng cai tổ chức buổi "Kỷ niệm 30 năm ngày sang Tiệp" rất long trọng và đầm ấm.Những người Việt đến Tiệp hồi đó, hiện sinh sống ở Séc, Đức và Hà Lan cũng được mời về tham dự đông đủ.
Trong buổi hội ngộ ấm tình Việt, mọi người có dịp thổ lộ, chia sẻ mọi buồn, vui trong cuộc sống cũng như sự trưởng thành của con cái và gia đình họ ở Séc, Đức và Hà Lan... Thú vị hơn nữa là các chị em truyền dạy cho nhau cách làm các món ăn truyền thống và ẩm thực Việt mới mà họ học được mỗi khi về thăm Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để phụ nữ trổ tài nội trợ với những bàn tiệc được trưng bày các món ăn truyền thống rất Việt. Sau bữa tiệc, một vài tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn" được trình diễn và đã được khán giả reo hò cổ vũ.
Ấn tượng đẹp nhất về nhóm người Việt này là: Dù định cư ở Séc, Đức hay Hà Lan, dù rất bận rộn với công việc và thường xuyên thiếu thời gian, song gia đình nào cũng quan tâm hết lòng đến việc học tập của con cái.
Khoảng trên 40% con cái của họ đều đã tốt nghiệp Đại học hoặc đang theo học Đại học ở nước sở tại.
Thật đáng tự hào: Thế hệ trẻ gốc Việt đã phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, luôn có ý chí phấn đấu để học giỏi, vì vây các em đã thu được thiện cảm và lòng khâm phụ của dân bản xứ…