Russia, Moscow, Street per. Gruzinskiy, Buil. 3
Email: Donghuonggroup@mail.ru

Apr 19

Nghệ sĩ opera Nguyễn Khắc Hòa: Muốn làm giàu ''tấm danh thiếp'' của Việt Nam khi giao lưu với thế giới

Gần 10 năm học tập và hoạt động nghệ thuật ngoài nước giúp nghệ sĩ opera Nguyễn Khắc Hòa ý thức hơn về sứ mệnh xây dựng cầu nối văn hóa và nối dài thêm cây cầu hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, đặc biệt là Liên bang Nga.

Trò chuyện với TG&VN, chàng nghệ sĩ trẻ đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, thực tập sinh opera tại Học viện âm nhạc Liên bang Nga mang tên Gnesin cho biết, trong tương lai anh muốn về nước làm việc và ứng dụng những kiến thức đã góp nhặt được trong chặng đường hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài…

 

 

Sự khổ luyện thành quả ngọt 

 

Thật vinh dự khi được học tập tại Học viện âm nhạc Liên bang Nga Gnesin-niềm mơ ước của rất nhiều sinh viên âm nhạc trên toàn thế giới, phải không nghệ sĩ?

Trường phái âm nhạc Nga có bề dày phát triển lâu đời và có chỗ đứng vững chắc trong dòng chảy của âm nhạc cổ điển thế giới. Hằng năm, có hàng nghìn sinh viên từ khắp nơi trên thế giới tới Nga để học tập về âm nhạc.

 

 

Với tôi, được học tập và nghiên cứu tại Học viện âm nhạc Liên bang Nga mang tên Gnesin trong gần 10 năm qua là niềm vinh dự to lớn. Đây là ngôi trường có bề dày đào tạo âm nhạc gần 130 năm, đã cung cấp cho nước Nga và thế giới nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực âm nhạc.

Riêng với Việt Nam, trường đã đào tạo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc và họ đang làm việc trong những nhạc viện lớn và các tổ chức âm nhạc uy tín.

Với bề dày truyền thống đó, tôi rất tự hào khi là người tiếp bước, viết dài câu chuyện thành công của nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam tại ngôi trường âm nhạc uy tín hàng đầu thế giới này.

Môi trường cạnh tranh cao và rất khắc nghiệt ở đây mang đến cho tôi nhiều kiến thức, trải nghiệm và trang bị tốt để hoạt động biểu diễn ngay trong trường học cùng với hoạt động nghệ thuật quốc tế.

 

 

Lựa chọn âm nhạc cổ điển và con đường nghệ thuật hàn lâm, hẳn anh trải qua sự khổ công rèn luyện để có thể giữ vững đam mê và kiên trì?

Khác với nhạc nhẹ, âm nhạc cổ điển đòi hỏi sự khổ luyện và kiên trì trong thời gian dài để có được quả ngọt. Với tôi, đến nay đam mê opera vẫn chảy sau 13 năm theo đuổi.

Sự tròn trịa và tính bác học trong từng âm thanh của giọng hát đã truyền lửa cho khát khao chinh phục opera của tôi.

Nhiều khi thất bại trong những lần biểu diễn khiến tôi rất buồn và có lúc chán nản, nhưng khi nhìn lại ước mơ ngày xưa và chặng đường mà bản thân đã đi qua thì niềm tin lại quay trở về. Điều này giúp tôi vượt qua nhiều khó khăn để có được chút thành công ngày hôm nay.

Đặc biệt, âm nhạc đã trao tặng cho tôi món quà quý giá, đó là được đi nhiều nơi, học hỏi và làm quen với nhiều điều mới, hay và bổ ích. Tôi được gặp gỡ và giao lưu với nhiều nghệ sĩ quốc tế, học hỏi thêm nhiều kiến thức mới cũng như kinh nghiệm biểu diễn quý giá từ họ.

 


 

Sứ mệnh xây dựng cầu nối văn hóa

 

Được biết anh còn được mời cộng tác với Ủy ban UNESCO ở Moldova trong các dự án văn hóa và giáo dục?

Cơ duyên tôi được làm việc với Ủy ban UNESCO Moldova là vào năm 2015 khi tham gia cuộc thi âm nhạc quốc tế tại thủ đô Chishinau. Tại đây, tôi gặp gỡ nhiều chuyên gia làm việc trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, trong đó có bà Evgenii Ursu là thành viên của Ủy ban.

Sau thành công từ cuộc thi này, Ủy ban UNESCO Moldova đã gửi lời mời hợp tác vào những năm tiếp theo, trong các dự án âm nhạc. Từ năm 2018, tôi là thành viên tích cực tham gia các dự án nghệ thuật của tổ chức này.

 

 

Hàng năm, Ủy ban tổ chức nhiều cuộc thi âm nhạc cho thanh thiếu niên châu Âu tham gia tranh tài và tôi được mời tham dự với vai trò cố vấn, giám khảo các cuộc thi.

Thông qua những hoạt động này, tôi thu nạp nhiều điều mới trong công cuộc phát triển âm nhạc và môi trường tạo dựng để nuôi dưỡng các tài năng tương lai cho nước bạn.

Anh ý thức thế nào về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc vun đắp tình hữu nghị tốt đẹp với các nước, đặc biệt là quan hệ Việt-Nga?

Là người học âm nhạc và hoạt động nghệ thuật, tôi luôn ý thức sứ mệnh của mình là xây dựng cầu nối văn hóa. Tôi rất tự hào khi được sử dụng những kiến thức của mình, cũng như âm nhạc để chia sẻ đến bạn bè Nga và quốc tế những nét đẹp truyền thống và hiện đại của Việt Nam.

Có một điều làm tôi ngạc nhiên là vào năm 2022 khi giáo sư thanh nhạc, nghệ sĩ nhân dân Ludmila Ivanova nhờ tôi dịch một tấm bằng khen từ cuối những năm 1980 khi cô sang Việt Nam công tác.

Tôi đã rất xúc động khi biết đó là Huy chương Hữu nghị được Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Qua đây, tôi càng ý thức hơn về nhiệm vụ và sứ mệnh của mình là truyền bá và nối dài thêm cây cầu hữu nghị giữa hai nước.

 

Hướng về đất mẹ

 

 

Anh suy nghĩ gì về việc phát huy nguồn lực trí thức trẻ kiều bào phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước đang được Đảng và Chính phủ rất quan tâm hiện nay?

Tôi có rất nhiều bạn là những người Việt trẻ thế hệ thứ hai, thứ ba sau khi học tập đã quyết định về nước làm việc và cống hiến. Điều này cho thấy rõ sự quan tâm của Đảng và Chính phủ trong công tác tuyên truyền và xây dựng niềm tin với kiều bào, giúp họ vững tin quay trở về đất mẹ.

Người xưa có câu “đất lành, chim đậu”. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh gian khổ, sau hơn 40 năm hòa bình lập lại, với nhiều nỗ lực của các thế hệ cha ông, Việt Nam trở thành một mảnh đất lành nên hiển nhiên sẽ có nhiều hơn nữa nhiều tri thức kiều bào trở về xây dựng đất nước.

Theo anh, ở lĩnh vực nghệ thuật Nhà nước cần có những chính sách gì để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho những nghệ sĩ trẻ có thể phát triển, cống hiến và làm rạng danh hai tiếng Việt Nam?

 

 

Tôi cho rằng cần có nhiều hơn nữa những chính sách mới để phát triển nghệ thuật hàn lâm, bởi đây dường như là một “tấm danh thiếp” của Việt Nam khi giao lưu với thế giới.

Những năm qua, nhiều sinh viên được nhận học bổng du học nghệ thuật. Điều này giúp cho Việt Nam có nhiều chuyên gia làm nghệ thuật có trình độ cao và khi họ về nước sẽ mang theo những kiến thức mới cùng nhiều mối quan hệ quốc tế có ích, góp phần vào sự phát triển của âm nhạc trong tương lai.

Cùng với đó là việc xây dựng và phát triển các nhà hát, tạo môi trường để các bạn trẻ có cơ hội được phát triển và cống hiến tài năng của mình trên sân khấu.

 

 

 

Dự định tương lai của anh sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ?

Tôi đang cố gắng để bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và hoàn thành chương trình thực tập sinh opera tại Nga. Năm nay, tôi sẽ tham dự một số dự án biểu diễn tại Nga và các nước Tây Âu và cũng sẽ có chuyến lưu diễn dài ngày tại nhiều thành phố trên khắp Nhật Bản vào tháng Chín tới.

Thông qua những hoạt động này, tôi muốn gửi đến những người yêu âm nhạc trên thế giới về một cái nhìn mới về Việt Nam thông qua âm nhạc.

Trong tương lai, tôi muốn trở về Việt Nam làm việc và ứng dụng những kiến thức đã góp nhặt được trong chặng đường hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài.

 




Thực hiện: AN BÌNH | Đồ họa: LIM DIM | Ảnh: NVCC

Nguồn: baoquocte.vn


                                                                                        Đồng Hương Group