Ở những bài viết trước Đồng Hương Group đã rất nhiều lần đề cập đến sự khó khăn của tiếng Nga và mong muốn bà con cộng đồng chú trọng nhiều hơn đến việc học ngôn ngữ, bởi chỉ có ngôn ngữ mới giúp chúng ta hoà nhập tốt nhất với xã hội Nga.
Bài viết này chúng ta lại cùng nhau phân tích những điểm khó của tiếng Nga, hy vọng rằng nó sẽ giúp ích bà con cộng đồng phần nào tiếp cận tốt hơn với ngôn ngữ sẽ gắn bó lâu dài với chúng ta này.
Tiếng Nga là một ngôn ngữ thú vị nhưng đồng thời cũng rất khó học. Nhiều người Việt Nam đã thừa nhận điều này. Vì sao thứ tiếng này khó đến vậy?
Chữ cái lạ
Điều đầu tiên là tiếng Nga sử dụng hệ chữ cái không phải là chữ Latin (La Mã). Tiếng Nga sử dụng hệ chữ Cyrillic (Kirin) được dùng chủ yếu cho các ngôn ngữ Slav và Trung Á.
Bảng chữ cái tiếng Nga có 33 ký tự. Đối với một số học viên nước ngoài, các chữ cái được viết khác so với cách đọc. Chẳng hạn chữ “horosho” (đã được chuyển từ sang Latin) được người Nga phát âm như như là “harasho”. Có một số chữ và âm chỉ tồn tại trong tiếng Nga.
Chữ cái “ы” là thách thức lớn nhất đối với nhiều sinh viên học tiếng Nga. Trên một diễn dàn mạng, một sinh viên thuộc khối các nước nói tiếng Anh kể lại chuyện mình đã phải chật vật như thế nào với con chữ này: “Người bạn Nga của tớ gợi ý nói từ “bàn”, cách ly âm giữ “b” và “l” nhưng cuối cùng cách đó vẫn chẳng có tác dụng gì với tớ cả”.
Một học viên khác vượt qua được thử thách “ы” thì lập tức vấp phải các trở ngại khác ở phía trước. Chẳng hạn, sự khác biệt giữa các chữ cái “ш” và “щ”. Natalya Blinova - giáo viên tư dạy tiếng Nga, cho biết, các học viên của cô nói chung không thể phân biệt 2 chữ này về mặt âm và buộc phải dựa vào chi tiết “đuôi” ở chữ “щ” để chỉ ra sự khác biệt.
Trọng âm tiếng Nga
Sinh viên ngoại cũng gặp khó khăn trong việc xác định vị trí đặt trọng âm trong các từ tiếng Nga. Các trọng tâm thường rơi vào một âm tiết nào đó theo một cách dường như võ đoán, không giống các ngôn ngữ như tiếng Pháp, nơi trọng âm thường rơi theo một mẫu nhất định.
Đôi lúc, trọng âm tiếng Nga có thể thay đổi tùy thuộc vào hình thức của từ.
Anna Solovyova, giảng viên tại Trường Ngôn ngữ và Văn hóa Nga thuộc Đại học Quốc gia Moscow, kết luận: Trọng âm tiếng Nga là bất quy tắc, không dự đoán được.
6 cách
Sau khi một sinh viên ngoại đã làm chủ các quy tắc ngữ âm Nga, anh ta sẽ đối mặt với đối thủ sừng sỏ tiếp theo là ngữ pháp tiếng Nga. Học viên người Đức Simon Schirrmacher nhận xét: “Phần khó nhất đối với tôi là ghi nhớ 6 cách trong tiếng Nga”. Simon mất một năm sống ở Nga trước khi anh tạm gọi là quen quen với các cách này. Các cách tiếng Nga đặc biệt khó khăn đối với những sinh viên mà tiếng mẹ đẻ không có cách hoặc nếu có thì các cách đó không tác động đến cấu trúc của từ.
Sinh viên Okamoto nhớ lại: “Tôi đơn giản là không thể tin nổi rằng việc dùng một cách cụ thể nào đó lại đồng nghĩa với biến đổi từ. Đến phát điên mất. Rồi còn chuyện chia động từ nữa. Mỗi lần bạn muốn nói một cụm từ nào đó, bạn phải dừng lại để suy nghĩ về cách biến đổi mỗi từ, phải lựa chọn hình thái từ nào cho phù hợp”.
Động từ “khó nhằn”
Ngữ pháp tiếng Nga có một khía cạnh cực khó là cách sử dụng động từ “hoàn thành thể” và “chưa hoàn thành thể”.
Học viên Schirrmache nói một cách lịch sự “Tôi rất hy vọng sẽ có lúc tôi lĩnh hội được điều này”. Tuy nhiên giọng của Schirrmache không được tự tin cho lắm.
Nữ học viên Okamoto chia sẻ trải nghiệm của mình: “Tôi nhớ đã đọc đi đọc lại các sách giáo khoa có hình minh họa, cố gắng nắm bắt khác biệt giữa “prishel” (đã đến) và “prihodil” (đã từng đến, đến và đã về rồi). Nghĩa của cái thứ này là gì? Nhân vật đã ở đâu? Anh ta đã rời đi hay đã ở đó? Thật là hại não”.
Các động từ chỉ chuyển động là một thế giới nữa trong tiếng Nga – có rất nhiều từ như vậy.
Cô giáo Blinova giải thích: Ví dụ, động từ “andare” trong tiếng Italy đơn giản có nghĩa là “đi”. Sang tiếng Nga, động từ tương đương là “hodit” (đi bộ đâu đó và quay lại), “idti” (đi bộ nhưng chỉ một chiều), “poyti” ( khởi hành đi bộ), “ehat” (đi một chiều bằng một phương tiện nào đó), “poehat” (khởi hành trong một dạng phương tiện nào đó) và “ezdit” (đi bằng một phương tiện nào đó theo 2 chiều).
Học viên Solovyova đặc biệt ưa thích động từ “katat'sya” – từ này có thể tạm dịch là “sử dụng một phương tiện để giải trí hơn là để đi lại”.
Nhưng như thế chưa phải là tất cả. Tiếng Nga còn có nhiều tiền tố gắn vào các động từ phức tạp này để thay đổi nghĩa tiếp.
Khía cạnh sáng sủa
Nhưng người học tiếng Nga cũng đừng nên nản chí. Ở một số phương diện, tiếng Nga dễ học hơn các ngôn ngữ khác.
Các giảng viên môn tiếng Nga cho biết, trong ngôn ngữ này không có mạo từ và chỉ tồn tại 3 thời thôi, ít hơn hầu hết các ngôn ngữ châu Âu khác.
Cô Solovyeva tin rằng việc học tiếng Nga chẳng hề khó hơn học tiếng Anh. Theo Solovyeva, điều quan trọng là bạn cần phải làm quen với thứ tiếng này. “Nếu người ngoại quốc bắt đầu học tiếng Nga từ thời trẻ thơ như khi học tiếng Anh thì họ sẽ đánh giá là học tiếng Nga đâu có khó”.
Trong khi đó giáo viên Blinova chỉ ra rằng các ngôn ngữ như tiếng Hoa Quan thoại hay tiếng Arab còn khó hơn cả tiếng Nga.
Blinova còn động viên thêm: “Trong tiếng Nga, hầu hết những phần ngữ pháp hãi hùng nhất là ở cấp A2. Một khi bạn đạt tới trình độ này rồi thì bạn sẽ thoải mái sử dụng tiếng Nga và có thể cảm nhận hết sự vĩ đại và vẻ đẹp của ngôn ngữ này”./.
Trung Hiếu/Dịch từ Yegorov/RBTH
Nguồn: vov.vn
ĐỒNG HƯƠNG GROUP